Những điểm cần lưu ý khi lập báo cáo tài chính 2021

Chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc thời hạn nộp báo cáo tài chính năm 2021, thời điểm này kế toán đang tất bật chuẩn bị để hoàn thành báo cáo đúng hạn quy định. Mặc dù vậy kế toán cũng cần lưu ý các điểm quan trọng khi lập báo cáo tài chính để tránh nộp lại hay bị phạt do sai sót.
1. Thời hạn nộp báo cáo tài chính:
Thời hạn nộp Báo cáo tài chính và Hồ sơ quyết toán thuế năm 2021 chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng 3/2022 (tức là ngày 31/03/2022).
2. Thời hạn nộp tiền thuế:
– Thời hạn nộp tiền thuế cũng là thời hạn nộp tờ khai thuế
– Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp thì tạm nộp theo quý, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau.
(Điều 55 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14)
Ngoài ra, doanh nghiệp cần nộp báo cáo tài chính cho các cơ quan nhà nước khác như Thống kê, Tài chính…
3. Rà soát lại các khoản mục chi phí dễ xảy ra sai sót:
– Khoản chi phí của năm 2021 được thanh toán vào đầu năm 2022 thì ghi nhận chi phí vào năm 2021.
– Tiền lương của người lao động phát sinh năm 2021 được chi trả vào đầu năm 2022 phải ghi nhận chi phí năm 2021. Nhưng không được phép ghi nhận vào tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2021.
– Khi đánh giá lại các các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ, lãi/lỗ sẽ được ghi nhận thực tế trên quyết toán thuế TNDN năm kế tiếp.
– Khoản tiền thuê nhà, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do công ty trả hộ tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh (chưa bao gồm tiền thuê nhà).
4. Đối với công ty đại chúng, cần thuyết minh thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Tổng giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong Báo cáo tài chính hàng năm của công ty.
– Thực hiện kiểm kê tài sản cuối năm: Tài sản bao gồm NVL, HH, CCDC,… phải được thực hiện kiểm kê và lập Biên bản kiểm kê tại thời điểm 31/12
– Thực hiện việc đối chiếu công nợ cuối năm: Công nợ bao gồm các khoản phải thu (131) phải trả (331), các khoản vay (341) và các khoản tạm ứng (141), phải thu (138) phải trả khác (3388)… phải được lập biên bản đối chiếu cho từng đối tượng, xác nhận, ký trên Biên bản đối chiếu công nợ. Việc này vừa đảm bảo tính chắc chắn của các khoản công nợ, và vừa tránh được việc bỏ sót các khoản chi phí/doanh thu trong năm
– Thực hiện kiểm kê quỹ tiền mặt cuối năm: Phải có Biên bản kiểm kê quỹ tại ngày 31/12
– Thực hiện đối chiếu nợ thuế với cơ quan thuế, nợ BHXH với cơ quan BHXH
– Thực hiện việc trích trước chi phí, trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, các khoản đầu tư, công nợ khó đòi
– Đối chiếu thuế GTGT cuối kỳ so với tờ khai thuế GTGT quý cuối năm
– Thực hiện đối chiếu số dư tài khoản ngân hàng giữa sổ sách công ty và sao kê từ ngân hàng
Theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP hiệu lực từ ngày 05/12/2020, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp doanh nghiệp nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.